http://www.nngov.com/library/images/book3      Bách Niệm 's Library
Chuyên mục
Văn học [147]
Truyện tranh [19]
Cuộc sống [29]
Tin học [56]
Thể loại khác [38]
Võ hiệp [8]
Sách ngẫu nhiên
Phầm mềm
 
Main » 2008 » Tháng 12 » 29 » Nhật ký một con hẻm
Nhật ký một con hẻm
9:16:38 AM
TT - Nhiều người ở đây không thể nhớ nổi số nhà của mình dù họ đã ở lâu năm. Đường vào nhà từ lộ chính phải đi qua bốn cái quẹo phải và thêm ba lần quẹo trái đan xen nhau. Vì thế, khi có bạn đến chơi, ai cũng nói: "Tới nhà thờ Xóm Chiếu, Q.4 (TP.HCM). Đứng đó tao ra đón...".
Thật vậy, bởi có nói địa chỉ thì cũng khó tìm được. Bề ngang con hẻm chỉ già 1m, sâu hun hút, quanh năm chẳng thấy mặt trời. Người ta gọi những cư dân trong con hẻm ấy là hẻm lao động để chỉ sự xô bồ và nghèo nàn của nó. Nhưng với những ai từng sống ở đây thì con hẻm là cả một khoảng trời kỷ niệm, là tình thân xóm giềng, là lời nhắc nhớ những ngày gian khó, và thậm chí cả những lỗi lầm...
1.Sáng.
Tôi yêu con hẻm này vì nó là một Sài Gòn thu nhỏ. Con hẻm thức rất khuya mà dậy cũng rất sớm.
Mới hơn 4 giờ sáng, bà Tư nhà bên đã thức giấc với một ca cà phê đá to đùng. Từ ngày về đây chưa bao giờ tôi thấy bà uống cà phê bằng ly, mà lúc nào cũng pha một ca nửa lít. Hơn 70 tuổi rồi nhưng bà rất khỏe, ca cà phê đậm đặc ấy có thể làm một thanh niên xây xẩm mặt mày, nhưng với bà đó là điều không thể thiếu vào mỗi sáng mai.
Căn nhà bà Tư chỉ vỏn vẹn chưa đến 30m2 nhưng có đến bốn gia đình cùng "chui vô chui ra". Căn nhà ấy lúc nào cũng bừa bộn giấy loại, mực in, bởi bà Tư sống bằng nghề lựa giấy loại. Bà quần quật từ sáng đến khuya bên đống giấy nhem nhuốc chỉ với ước mong có hai bữa cơm mỗi ngày.
Bàn tay nhăn nheo của bà đã nổi lên cục u chai sần vì cầm kéo lâu ngày. Những tờ giấy in dở, những tờ báo cũ bà Tư đều cẩn thận xén từng ranh giấy chưa in chữ để bán với giá cao hơn loại giấy đã in rồi. Chẳng biết mỗi ngày bà xén được bao nhiêu ký giấy, nhưng chỉ biết giá chênh lệch của mỗi ký giấy đã phân loại chỉ vài trăm đồng. Sống ở Sài Gòn nhưng chẳng mấy khi bà Tư bước ra khỏi con hẻm quanh năm không thấy mặt trời ấy. Bà tâm sự: "Đã hơn chục năm nay tôi chưa bước ra khỏi nhà. Nghe nói trung tâm thành phố bây giờ đẹp lắm..." - câu nói của bà Tư chẳng bao giờ tôi quên được.
7 giờ sáng. Khi chị Hồng bên cạnh vác mớ chổi lông gà đi bán dạo cũng là lúc anh hàng xóm vừa tan ca đêm bước vào nhà, vén màn thơm lên trán đứa con thơ còn say giấc rồi lăn ra ngủ sau một đêm mưu sinh nhọc nhằn. Về đây ở đã gần bốn năm nhưng tôi chỉ gặp anh độ vài lần. Có lẽ đứa con của anh cũng vậy. Hình ảnh về chị Hồng trong tôi là một người phụ nữ nhỏ bé, khuôn mặt khắc khổ chìm khuất sau mớ chổi lông gà. Những ngày nắng gắt hay những khi mưa bão tôi vẫn thấy người phụ nữ ấy lầm lũi trên các con đường của Q.1, Q.3, Phú Nhuận... với mớ chổi lông gà trên vai. Chẳng bao giờ tôi thấy chị cười!

Hằng ngày, bà Tư ngồi xén giấy phân loại để bán. Đã hơn mười năm nay bà chưa ra khỏi con hẻm nàyẢnh: THẾ ANH

2.Trưa. Con hẻm trở nên ồn ào, có thể ví nó như một cái chợ chồm hổm cũng không sai. Sau giờ tan học, bọn trẻ ùa ra mặt hẻm nhỏ xíu để bắn bi, nhảy dây. Người lớn thì xúm năm xúm ba chuyện trò, bàn tán để quên đi cái oi bức, ngột ngạt. Cũng có khi tiếng vui cười của đám trẻ bị lấn át bởi tiếng chửi thề của người lớn. Nhưng điều kỳ lạ ở con hẻm này là người ta có thể chửi mắng nhau buổi trưa nhưng chiều lại khề khà bên nhau ly rượu cay. Dường như con hẻm đã dạy cho tôi lòng vị tha và sự cương trực. Họ chẳng hề giấu giếm cảm xúc của mình như những nơi khác, cứ sống thẳng và chân chất!
Mặt trời đứng bóng, đây là giây phút hiếm hoi mà con hẻm có được chút vàng của nắng. Cũng là lúc bác tổ trưởng dân phố đi bán vé số tạt qua nhà ăn vội chén cơm trưa. Ai cũng biết bác nghèo, nhưng bác có tiếng là người nhân từ. Trong thời buổi bão giá, lo miếng cơm cho bản thân và đàn con đã khó, vậy mà bác còn nuôi thêm cả con người dưng. Chuyện là một cô sinh viên nào đó mướn nhà bác mà lỡ chửa hoang, sau khi sinh con thì trốn biệt. Thương đứa nhỏ vô tội, bác nhận nó làm con nuôi. Mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, bác chỉ cười xòa: "Ai mà chẳng có lỗi lầm, cũng vì số phận đưa đẩy thôi con ạ...".
Ở một góc khác của con hẻm, anh Sáu "rồng" đang kể lại những lỗi lầm thời trai trẻ của mình như lời răn đe với đám trẻ. Gọi là Sáu "rồng" vì mình anh xăm đầy hình rồng. Ngoài cái nét bặm trợn của anh thì đó là một con người rất điềm đạm, từng trải và vui tính. Anh đùa với đám trẻ: "Hồi trước tao xăm hình rồng nhưng bây giờ thì rồng thành rắn mất rồi, tụi bay đừng có học đòi làm chi cho khổ thân...".

Tắm rửa ở một góc hẻm, thoải mái!Ảnh: THẾ ANH

3.Chiều.
Con hẻm đang ồn ào bỗng dưng im bặt vào giờ đài phát thanh trực tiếp xổ số. Im lặng đến ngạc nhiên, đến lạ thường! Hằng ngày bà Tư, cô Năm, chị Sáu... đều nhịn bữa ăn sáng để mua cho mình một tờ vé số. Có lẽ bữa ăn sáng chỉ đủ no một buổi, còn tấm vé số kia có thể cho họ một ngày sống trong hi vọng...? Tôi thấy thương day dứt những người hàng xóm trong giây phút im ắng hiếm hoi của con hẻm. Đó là phút mặc niệm cho cái nghèo!
Cơn mưa chiều bất chợt ập đến, con hẻm bỗng dưng trở thành dòng sông. Đám trẻ trong hẻm mặc sức chạy tung tăng tắm mưa, cười đùa. Tiếng cười của trẻ con lúc nào cũng dễ thương, nhưng tiếng cười của đám trẻ hẻm tôi lại càng dễ thương hơn. Những hộp xốp đựng cơm trôi bồng bềnh theo dòng nước, đám trẻ giành nhau chơi trò thả thuyền trên sông. Tôi còn nhớ lời nói của một chú nhóc: "Lớn lên con sẽ làm thủy thủ viễn dương để được đi khắp nơi, để có tiền nuôi ngoại, để mở con hẻm này thành con đường to hơn...". Ít ai biết được chú nhóc ấy chưa một lần đến Thảo cầm viên dù chỉ cách nhà 15 phút đi xe, chưa một lần được ăn bánh trung thu trong ngày rằm tháng tám. Khoảng sân tuổi thơ của chú chưa bao giờ vượt ra khỏi con hẻm sâu hun hút này! Nhìn dòng nước trôi trên hẻm mà tôi chợt liên tưởng đến sự kết nối của biển lớn. Biết bao giấc mơ của con trẻ muốn vươn ra biển lớn từ con hẻm nghèo nàn này? Liệu rồi điều đó có thành hiện thực? Tôi không dám nghĩ tới...
4.Đêm. Thật ra nói đêm cũng không đúng, vì khi màn đêm buông xuống cũng là lúc mọi người trong con hẻm lại bắt đầu như một ngày mới. Con hẻm ấy chẳng bao giờ ngủ! Tiếng sè sè của máy may gia công nhà cô Hoa không hề ngơi nghỉ. Tiếng gõ lốc cốc của mấy anh đóng giày vẫn cứ đều đặn cho đến tận sáng mai.
Một đêm mất điện. Mọi người ùa ra kín cả con hẻm. Tiếng Bắc, tiếng Trung lẫn tiếng Nam. Phần lớn họ đến từ những vùng quê nghèo. Dù con hẻm tối mịt nhưng tôi vẫn nhận ra nét mặt trắng xanh của họ sau những ngày đêm dài mưu sinh khó nhọc. Câu chuyện về những miền quê xa cứ dài ra hun hút...
Con hẻm ấy chẳng bao giờ ngơi nghỉ. Bởi nó ôm trong mình sự lo toan, trăn trở, khốn khó và cả ước mơ của từng phận người!
THẾ ANH
            
Con mắt và tấm lòng
        Con hẻm chật hẹp ấy với người sáng mắt đi cũng có thể va quẹt vào xe cộ hai bên. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy bà Năm mù ở xóm dưới bị té. Chẳng cần ai đưa đường, cứ bước ra khỏi nhà là bà được những người trong hẻm dìu đi từng đoạn một. Cứ thế, bà sống bằng con mắt của tụi nhỏ trong hẻm, bằng lòng tốt của những hàng xóm nghèo khó.
Category: Cuộc sống | Views: 1066 | Added by: bnlib | Rating: 0.0/0 |
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Đăng nhập
Tìm kiếm
Lịch
«  Tháng 12 2008  »
SuMoTuWeThFrSa
 123456
78910111213
14151617181920
21222324252627
28293031
Chat box
200
Lượt truy cập

Tổng số online: 1
Khách: 1
Thành viên: 0
Trang chủ Đặt làm trang chủ Liên hệ Liên kết RSS
Copyright by BN © 2024
Powered by uCoz
Hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Firefox