http://www.nngov.com/library/images/book3      Bách Niệm 's Library
Chuyên mục
Văn học [147]
Truyện tranh [19]
Cuộc sống [29]
Tin học [56]
Thể loại khác [38]
Võ hiệp [8]
Sách ngẫu nhiên
Phầm mềm
 
Main » 2009 » Tháng 6 » 3 » Sách nói: Quà tặng tuổi thơ 3
Sách nói: Quà tặng tuổi thơ 3
2:42:30 PM
Các bài viết đoạt giải cuộc thi “Ước mơ của em” đã được ban tổ chức tập hợp in thành sách Quà tặng tuổi thơ 3 (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn). Các bài viết không đoạt giải cũng được trích đăng. Gọi là cuộc thi sáng tác văn học nhưng như những người thực hiện chia sẻ, những ước mơ trẻ thơ quá chân thật, quá mạnh mẽ, quá thực tế dường như đã không còn chỗ cho văn chương bay bổng. Mỗi bài dự thi là một thước phim sống động, rất thật về những cảnh đời của trẻ em đường phố, mồ côi, khuyết tật, bệnh nhi bệnh hiểm nghèo... Giữa những khó khăn, bất hạnh, vật lộn với mưu sinh, với sự sống và cái chết, những mầm sống ấy vẫn vươn lên, khát khao sống đẹp, sống có ích...

Nơi đó có mẹ, có cha...

Rất nhiều bài dự thi bộc bạch sự khát khao về một mái ấm gia đình. Ai cũng có gia đình, nhưng đối với nhiều bạn nhỏ, gia đình là niềm mơ ước. Nơi đó các em được có mẹ, có cha, có một cuộc sống rất đỗi bình thường.

“Nếu hỏi em điều ước/ Em ước có mẹ cha/ Có mái ấm gia đình/ Thật vui và hạnh phúc” (Điều ước, thơ của Trần Hữu Phước, HS lớp 4 Trung tâm phát huy Bình Thọ, giải khuyến khích). “Nhiều đêm con ngủ một mình/ Bàng hoàng tỉnh giấc mẹ ơi đâu rồi?” (Cơ hàn, thơ của Trần Văn Sơn, nhà nuôi trẻ mồ côi Diệu Giác, giải khuyến khích). “Trong giấc ngủ mẹ ơi có biết/ Con thấy mình nhẹ tựa mây bay/ Gió bên tai như lời ru tha thiết/ Nhấc con lên đặt giữa vòng tay” (chùm thơ Khát vọng + Giấc mơ diệu kỳ của Nguyễn Trí Tính, 18 tuổi, mái ấm khiếm thị Nhật Hồng, giải nhất).

Nhìn thấy những đứa trẻ cùng mẹ dắt tay đi mà lòng con lại thèm được một lần nắm tay mẹ như thế. Con chẳng cần gì hết, con chỉ cần mẹ đến đây với con một lần, chỉ một lần thôi con cũng thấy bớt cô đơn của một đứa trẻ bất hạnh” (Văn Thái Bích Trâm, lớp 8, nhà nuôi trẻ mồ côi Diệu Giác).

Hay “Ước gì mẹ con tôi có một căn nhà, không cần to, chỉ cần che mưa che nắng là được và ước gì ba tôi đừng đánh mẹ tôi nữa” (Thu Hằng, mái ấm Hoa Hồng Nhỏ). “Con ước gì ba mẹ con được giảm án về sớm. Và con ước có một căn nhà mơ ước” (Nguyễn Quốc Cường, lớp 3, Trung tâm phát huy Thủ Thiêm).

Phía trước là bầu trời

Toát lên từ các bài dự thi còn là sự mạnh mẽ, không bi lụy, không đầu hàng số phận. Thơ của Nguyễn Trí Tính ở mái ấm khiếm thị Nhật Hồng: “Tôi mơ ước dù chỉ một lần/ Thấy được dáng hình những người thân/ Thấy nụ cười trên môi họ nở/ Nỗi vui mừng trong ánh mắt rưng rưng/Tôi mơ ước chỉ một lần thôi/ Một lần thôi được thấy cuộc đời/ Những sắc màu vô cùng tươi thắm/ Ánh sáng mặt trời tỏa sáng nơi nơi/ Nhưng tôi biết chỉ là vô vọng/ Mắt đã từng chan chứa lệ hồng/ Nhưng tôi đã tiến lên phía trước/ Nuốt đau thương vào tận đáy lòng”.

Không cho phép mình bỏ cuộc, bệnh nhi Trương Ngọc Mỹ (15 tuổi, quê ở An Giang, điều trị tại Bệnh viện Truyền máu - huyết học) viết: “...Giờ đây tôi hầu như đã quen và không đau nữa vì tôi đã quá đau. Tôi đã qua bao lần bơm hóa chất vào người, đã chịu đựng và đã cố gắng. Tôi không được phép ngã xuống và không cho phép mình bỏ cuộc. Tôi sẽ chiến thắng định mệnh, sẽ là người hạnh phúc, sống vui vẻ để chờ đợi... chờ đợi những điều kỳ diệu” (Ước mơ của em, giải ba).

Nhà văn Kim Hài - ban văn học thiếu nhi Hội Nhà văn TP.HCM - tâm sự: “Tôi đã rưng rưng khi chấm bài. Đây là một cuộc thi đặc biệt nhất của Hội Nhà văn từ trước đến nay. Bài dự thi chính là những tiếng nói trẻ thơ mà người lớn phải suy nghĩ, đặc biệt là những người làm cha, làm mẹ. Khuyến khích các em có hoàn cảnh đặc biệt viết cũng là dịp để phát hiện những tài năng viết văn và bồi dưỡng nâng đỡ kịp thời. Cuộc thi lần sau sẽ được mở rộng ra khỏi phạm vi TP.HCM để có thể lắng nghe các em nhiều hơn nữa”.

Cuộc thi kéo dài gần nửa năm (từ tháng 10-2008 đến tháng 3-2009), có 94 bài dự thi thơ và văn từ hơn 30 đơn vị gửi đến. Có những bài viết bằng chữ nổi với những dấu đục lỗ trên bìa cứng, phải có thầy cô chuyển ngữ giùm. Có bài viết khoảng trống nhiều hơn chữ, chỉ có vài gạch đầu dòng, như những ước mơ còn ngơ ngác...

 Nhưng dù chưa thành văn, tất cả đều chở đầy những ước mơ rất thật. Để bất kỳ ai đọc thấy cũng bùi ngùi trước những nỗi lòng thơ trẻ, trước những ước mơ mà mỗi đứa trẻ quanh ta âm thầm nuôi dưỡng nay có dịp thành lời.

TỐ OANH( báo Tuổi trẻ)

Nghe sách nói:http://media.tuoitre.com.vn/BookDetail.aspx?BookID=150#Book,150

Category: Cuộc sống | Views: 1254 | Added by: bnlib | Rating: 0.0/0 |
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Đăng nhập
Tìm kiếm
Lịch
Chat box
200
Lượt truy cập

Tổng số online: 1
Khách: 1
Thành viên: 0
Trang chủ Đặt làm trang chủ Liên hệ Liên kết RSS
Copyright by BN © 2024
Powered by uCoz
Hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Firefox