Bạn trẻ thân mến, trên tay bạn đang là một cuốn sách bình thường như bao cuốn sách khác bạn đã thấy và đã cầm lên trong đời, nhưng tôi mong bạn tĩnh tâm lại giây phút, nhìn vào chân dung một con người hiện hình trên bìa và đọc vào dòng chữ dưới tên sách.
Khi đó bạn sẽ cảm thấy tay mình như trĩu xuống và tim mình đập gấp lên. Trên tay bạn bây giờ không phải là cuốn sách bình thường nữa, không phải là cuốn sách nữa, mà là một cuộc đời, một số phận. Bạn sẽ đọc vào trang sách và bạn sẽ thấy mình đang đọc một trái tim, đọc một tâm hồn của một con người .
Bạn trẻ thân mến, người bạn gặp trên trang sách này là một người trai Hà Nội. Khi anh bước chân vào ngưỡng cửa đại học là khi cuộc chiến tranh VN đang thời kỳ căng thẳng, ác liệt nhất.
Anh học giỏi, cả “xã hội” và “tự nhiên” như thời ấy thường nói, nghĩa là cả văn và toán, ở trung học anh đoạt giải nhất thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, ở đại học anh là sinh viên xuất sắc của khoa toán - cơ đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh có thể được chọn một con đường khác vào đời. Nhưng anh, và cả thế hệ anh, năm tháng ấy đã cởi áo sinh viên khoác lên mình áo lính. Không có sự lựa chọn nào khác khi tổ quốc lâm nguy.
Và anh, như một người trai thế hệ, đã chấp nhận và dấn thân. Dấn thân không theo nghĩa hiện sinh mà theo nghĩa yêu nước.
Bạn trẻ thân mến, người trai Hà Nội ấy đã vĩnh viễn nằm xuống mảnh đất Quảng Trị hơn 30 năm về trước. Hôm nay, sau 30 năm ngày chiến tranh khép lại, bạn đang có trên tay mình những tâm tình của anh qua cuốn sổ nhật ký quân ngũ anh ghi trong quãng thời gian huấn luyện tân binh.
Anh trải lòng mình chân thật qua những cảm nhận lắng nghe hồn nhiên, tinh tế rung động trước những vùng đất anh qua, những con người anh gặp, của một hồn thơ đang khao khát bộc lộ, một tình yêu khao khát tỏ bày, một đầu óc khao khát nhận thức.
Anh ghi cho mình và chỉ cho mình thôi. Cuốn sổ này anh gọi là “Chuyện đời”. Bây giờ bạn đọc nó bạn sẽ thấy nó vừa là nhật ký, vừa như một cuốn sổ tự tu dưỡng, lại vừa như những ghi chép sáng tác văn học. Những con chữ ở đây, bạn hãy nhớ, đã được ghi bằng bút mực trên đường hành quân. Nét mực còn nguyên và những gì chứa đựng trong chữ thì còn mãi.
Bạn trẻ thân mến, có một tình yêu của một lứa đôi Hà Nội nơi cuốn sách bạn đang đọc. Một tình yêu lý tưởng tiêu biểu của thanh niên thời chiến tranh ấy. Chàng trai ra trận, cô gái đi học xa, tình yêu vượt thời gian và không gian chín lên trong tình cảm nhớ thương mong ngóng đợi chờ hi vọng của hai người.
Chị đã hỏi anh câu hỏi hạnh phúc là gì khi hai người còn là học sinh. Câu hỏi hạnh phúc bao lứa đôi thời chiến đã hỏi và tìm cách định nghĩa cho mình, cho người mình yêu. Và khi vào lính anh đã viết thư cho chị hẹn ngày 30-4-1975 anh về gặp chị và sẽ trả lời. Bạn có ngạc nhiên không khi thấy một sự trùng hợp kỳ diệu đến thế!
Lời hẹn hò như tiên tri ấy của Nguyễn Văn Thạc đã ngân một nốt trầm lắng trong lòng người con gái anh yêu, trong lòng những người cùng thế hệ, và đọng lại hôm nay một niềm bi tráng. Ngày 30-4-1975 đã qua nhưng Nguyễn Văn Thạc không về, bao nhiêu người nữa như anh không về. Câu hỏi hạnh phúc vẫn đi tìm câu trả lời ở phía trước...
Cuốn sổ ghi chép này dừng lại tại ngã ba Đồng Lộc ngày 3-6-1972 khi anh chuẩn bị vào chiến trường. Những dòng cuối cùng anh viết dường như gấp gáp: “Kính chào hậu phương. Chào gia đình và người tôi yêu. Đêm nay tôi đi. Nhất định có ngày trở về thủ đô yêu quí của lòng tôi”.
Hơn một tháng sau anh đã hi sinh khi tuổi chớm hai mươi. Cũng như bao người lính khác, anh bình thản vào trận, bình thản biết mình có thể ngã xuống. Và cái anh để lại cho đời, khi sự sống đã hiến dâng cho đất nước, là cuốn sổ ghi chép này và những bức thư gửi cho gia đình và người con gái anh yêu.
Người trai Hà Nội đang trò chuyện với bạn về mình, về thế hệ mình trên những trang sách này có một cái tên bình dị: Nguyễn Văn Thạc. Anh viết cái sống của mình khi đang là anh lính binh nhì.
Và trước khi để bạn đọc ngẫm vào trang viết cuộc đời anh, tôi xin dẫn lại những dòng anh gửi gắm lại cho bạn, cho tôi, cho tất cả những ai đang được sống hôm nay: “Ừ, nếu như tôi không trở lại - Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc. Đừng để trống trải và bí ẩn như những trang giấy này”.
Bạn trẻ thân mến, bạn có cuốn sách này chưa? Và bạn đã dọn mình để bước vào khoảng “trống trải và bí ẩn” của một con người mãi mãi tuổi hai mươi chưa?
PHẠM XUÂN NGUYÊN
Download:http://www.box.net/shared/u5fjrmu9c0