Một quãng đời thơ ấu của Tô Hoài được ghi lại trong Cỏ dại (1944), qua vai nhận vật chính là Cu Bưởi. Cu Bưởi quê ở ngoại thành Hà Nội, vùng ven Nghĩa Đô. Một vùng quê sát gần Kẻ Chợ. Chỉ một thôi tàu điện leng keng là lọt vào quầng sáng của thành phố, là ngập vào trong nhộn nhịp, náo nhiệt của đi lại, ăn chơi, bán mua. Thế nhưng vùng quê ấy vẫn cứ là biệt lập trong một vẻ quạnh hiu, và trong sự nguyên sơ của các thói tục, các nếp sinh hoạt như lưu lại ngày xưa.
Cu Bưởi hiền lành, nhút nhát, chỉ thích quanh quẩn ở nhà. Thế mà bỗng phải rời quê, xa mẹ, xa ông bà ngoại, xa các dì để ra tỉnh – gọi là đi để học, để chờ xin học, nhưng thực chất là đi ở cho một người làng có cửa hiệu nhỏ. Bao là bồi hồi, ngơ ngẩn trong tâm trạng cậu bé lần đầu được ra thành phố! Và việc học chẳng thấy đâu, chỉ thấy cậu ngày ngày phải lo mấy việc: đánh đi đánh lại mãi mấy đôi giày cũ, cọ đi cọ lại cho thật sạch mấy cái chai, vần ra vần vào một cái lốp ô tô, rồi phụ bếp núc… Hết việc thì ngồi ở cửa ngóng ra phố xá mà nhớ nhà, để cuối năm áp Tết mới được bà ngoại đón về với cái đầu bị hắc lào mốc trắng, mà chẳng có hột chữ nào nhét vào bụng. Cuộc sống Kẻ Chợ những năm 20 đầu thế kỷ tuy náo nhiệt, nhưng lại quá buồn tẻ đối với cậu bé. Phải được về với mẹ, với các dì, và với việc cõng em – đó mới chính là niềm vui, là sự sống tự nhiên của cu Bưởi.
Với Cỏ dại , ấy là một cái nhìn về thành phố, về Kẻ Chợ ngộ nghĩnh mà sắc nét qua cách nhìn trẻ thơ.
Chuyện cu Bưởi như trên được đặt trong chuyện chung của người lớn, chuyện của cả một gia đình, một vùng quê. Thật tự nhiên lối kể và giọng kể của Tô Hoài, từ chuyện của ông ngoại, bà ngoại, của mẹ, của bố và quê nội, cho đến chuyện bác thợ cạo, anh kẹo xóc, người phu trạm đưa thư…Rồi chuyện trong ngôi nhà ba bốn chủ ở phố, nơi cu Bưởi trọ học… Tất cả, thật kiệm lời mà vẫn hiện lên đến là sống động cả một thời xưa, cũng chẳng phải xưa, nó là chuyện của đầu thế kỷ, mà cứ như là sự nối dài hun hút cho đến thời xưa. Kể chuyện Cỏ dại , Tô Hoài mở rộng sự hiểu biết và cho ta thấm thía bao là cảnh đời, là tính cách và số phận người trong xã hội cũ.
Trên toàn bộ bức tranh Cỏ dại , không đâu không thấm một nỗi buồn. Buồn vì sự quanh quẩn, cùng quẫn của mọi lớp người lao động. Buồn vì những xa cách, chia phôi và vắng thiếu tình người. Buồn vì một các gì như đang tàn dần và sắp tắt… Tôi cho là Tô Hoài đã thật sự có đóng góp vào văn học hiện đại nói chung, và văn học thời kì 1941 – 1945 nói riêng một mảng sống u buồn của một thế hệ trẻ thơ, và được nhìn qua cách nhìn trẻ thơ – nó chính là nét bản chất của cuộc đời cũ. Một mảng sống u buồn, với cái buồn từ chính bản thân nó toát ra một cách tự nhiên, chứ không cố ý. Trong u buồn thỉnh thoảng vẫn thấy lóe lên những nét sống vui ngộ, tinh nghịch, do được nhìn qua con mắt trẻ thơ, và như là sự thăng bằng trở lại giữa hai vế: vui – buồn, hài và bi, ngộ nghĩnh và nghiêm trang, có thế mới là diện mạo đích thực, là sự tồn tại đích thực của cuộc đời, theo cảm quan nghệ thuật độc đáo ở Tô Hoài.
Sau ngày rời Kẻ Chợ, để về với mẹ, với ông bà ngoại và các dì, Bưởi được trở lại với công việc quen thuộc: cõng em và tha thẩn rong chơi trong làng.
Cỏ dại hoa đồng. Sống theo tự nhiên rồi lại trở về với tự nhiên. Những ngày ra Kẻ Chợ, đối với cu Bưởi, quả là một cái gì trái với tự nhiên. Ngót hai năm ở “trọ” nơi Kẻ Chơ, Bưởi như một gốc cây non bị bứng ra khỏi đất. Bây giờ được trở lại vườn nhà… “Bắt đầu những ngày lêu lổng. Được mãi thế thì thích. Rồi ngày sau tôi thành anh thợ dệt cửi như những đứa trẻ khác trong làng”.
Một tuổi thơ muốn được sống tự nhiên, cưỡng lại sự “can thiệp” của xã hội, nhưng lại nhuốm đầy dư vị xã hội.
Tôi tưởng không ít thế hệ trẻ thơ trước Cách mạng tháng Tám – 1945 đều có thể nhận ra ít nhiều bóng sánh của mình trong cu Bưởi.
Cu Bưởi - ở tuổi thơ Cỏ dại chỉ thích cõng em, và mong mai sau trở thành anh thợ dệt cửi, như tất cả mọi trai làng. Nhưng rồi khi vào tuổi 20, cu Bưởi lại trở thành nhà văn Tô Hoài. Có Tô Hoài nên mới có hình ảnh Cu Bưởi, hình ảnh của chính tuổi thơ mình như trong Cỏ dại . Có Tô Hoài, tức là có một khám phá, một sáng tạo nghệ thuật về một tuổi thơ Cỏ dại , hoa đồng. Có Tô Hoài nên Cỏ dại bỗng trở thành một bổ sung độc đáo, làm đậm đà thêm cái dư vị u buồn và mòn mỏi trong bức tranh đời một vùng quê ngoại ô, như trong Nhà nghèo, Quê người, Xóm Giếng…
35 năm sau, Cỏ dại góp mặt trong bộ Tự truyện (1978) của Tô Hoài; để từ đấy làm nên một mảng sống thật là đặc sắc trong sự nghiệp viết văn của nhà văn. Một sự nghiệp được nối dài từ Cỏ dại (1943), qua Tự truyện (1978), đến Cát bụi chân ai (1992), rồi Chiều chiều (1999).
Download:Click here